TP.HCM kêu khó xử cán bộ sai phạm: Cứ luật mà làm
Tại buổi họp báo về tiến độ và kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến dự án Khu công nghệ cao (KCNC) quận 9 vào ngày 6/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết các sai phạm tại dự án KCNC mang tính chất kỹ thuật, thiếu sót khi xử lý các văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện UBND TP.HCM chưa có kết luận về xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan nhưng "nhìn chung là phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm".
"Tuy nhiên, việc kiểm điểm cũng khó vì nhiều cán bộ, công chức liên quan đến các sai sót đã về hưu, có người đã mất", Phó Chủ tịch TP.HCM nói.
![]() |
Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: SHTP. |
Trước lý do khó xử lý cán bộ sai phạm liên quan đến dự án KCNC mà lãnh đạo TP.HCM đưa ra, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường ( Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) khẳng định, theo chủ trương của Đảng, cán bộ đương chức phát hiện sai phạm xử lý, về hưu rồi phát hiện ra sai phạm cũng xử lý, không có khái niệm "hạ cánh an toàn".
Thực tế, nhiều trường hợp cán bộ, công chức nghỉ hưu đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự vì có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, kể cả khi người đó là Ủy viên Trung ương Đảng, cán bộ cấp cao.
Vì thế, ông Ninh băn khoăn lý do thực sự TP.HCM chưa có kết luận về xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai sót tại dự án KCNC quận 9 là gì.
"Liệu còn lý do nào khác hay vì TP.HCM dựa vào Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho TP?
Nếu nói phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm thì như người ta vẫn nói, sợi dây kinh nghiệm ở ta dài vô tận, rút hoài không xong. Không thể có sự du di, nể nang trong việc này, phải theo luật mà làm.
Người mất rồi thì thôi, nếu trước đây vị đó giữ chức vụ gì thì khi mất đi danh xưng đó có thể bị tước bỏ. Còn người sống thì phải chịu trách nhiệm, không thể nói khó xử lý. Theo luật mà làm thì dân sẽ tin, sẽ nể, ngược lại không theo luật thì dân không nể, nói dân không nghe, mà như vậy đất nước không phát triển được", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.
Dự án Khu Công nghệ cao có quy mô hơn 913 ha (trong đó có 112 ha đất sông, rạch, giao thông). Từ năm 2002, UBND quận 9, TP.HCM đã bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 3.110 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn hàng chục hộ khiếu nại, chưa bàn giao mặt bằng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ sau đó xác định UBND TP.HCM có sai phạm khi thu hồi thêm hơn 100 ha đất khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Trong 3 quyết định thu hồi đất số 2666 (804 ha); 2717 (6,9 ha); 2193 (102 ha) và Quyết định số 989 ngày 4/11/1998 của Thủ tướng (800 ha) không có tên phường Hiệp Phú nhưng đất tại phường này vẫn bị thu hồi... Đây là một trong những nguyên nhân người dân khiếu nại trong nhiều năm qua.
Về việc này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP.HCM xem xét, giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân căn cứ vào thời điểm ban hành Quyết định 458 ngày 18/4/2007 của Thủ tướng.
TP.HCM dành số tiền hơn 1.400 tỷ đồng (đã được HĐND TP thông qua) để bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đối với khu vực 41 ha là trong ranh quy hoạch dự án nên không thể áp dụng chính sách như trường hợp 4,3 ha ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Còn với 49 trường hợp đang khiếu nại, thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế đặc thù theo hướng bán nền tái định cư cho các hộ dân theo giá bán tái định cư để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Vị trí đất nền tái định cư là tại khu đất 4.000 m2 mặt tiền đường Lê Văn Việt; một số nền đất thuộc Khu nhà ở Khang Điền, thuộc phường Phước Long B và Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ.
Minh Thái
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận